Ở phần 1, Đi Để Đến đã giới thiệu với khách du lịch Hội An một số địa điểm: chùa Cầu, chợ Hội An, Cù Lao Chàm, làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà. Trong phần 2, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu những điểm đến hấp dẫn khác của phố cố Hội An.
Menu
Hội An – điểm đến hấp dẫn du khách thập phương (Phần 2)
1. Bảo tàng lịch sử – văn hóa Hội An
Bảo tàng lịch sử – văn hóa Hội An tọa lạc tại địa chỉ số 10B, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hội An. Bảo tàng được thành lập năm 1989 và là nơi trưng bày rất nhiều các hiện vật có giá trị. Mỗi hiện vật đều gắn liền với những cột mốc, những câu chuyện khác nhau nhưng tất cả đều góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa của Hội An.
Bảo tàng lịch sử – văn hóa Hội An hiện đang lưu giữ hơn 434 hiện vật khảo cổ và các hình ảnh, tư liệu gắn liền với sự phát triển du lịch phố cổ Hội An. Các hiện vật ở đây được lưu giữ qua từng thời kỳ, từ văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên) đến thời kỳ văn hóa Chăm (từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 15) và văn hóa Đại Việt, Đại Nam (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19). Đây là một minh chứng sống động cho sự phát triển về lịch sử, văn hóa của đô thị – thương cảng Hội An xưa.
Bảo tàng lịch sử – văn hóa Hội An – Ảnh Internet
Du khách đến đây đều phải ngạc nhiên, thán phục trước sự sáng tạo, tài hoa của con người. Chính vì những lẽ đó, Bảo tàng lịch sử – văn hóa Hội An là một điểm đến cực kỳ ý nghĩa trong hành trình khám phá phố cổ Hội An.
2. Nhà Thờ tộc Trần
Nhà thờ tộc Trần là một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hội An với nét cổ kính và kiến trúc đặc trưng rất riêng. Tọa lạc ở số nhà 21 Lê Lợi, phố cổ Hội An, nhà thờ tộc Trần được xem là một trong những nhà thờ lâu đời và cổ kính nhất với lịch sử hàng trăm năm tuổi.
Nhà thờ nằm trong khu vườn có cây cối xanh tươi, rộng khoảng 1.500 mét vuông, được bao bọc bằng bờ tường cao. Nhà thờ là sự kết hợp hài hòa và độc đáo giữa ba nền kiến trúc khác nhau: Việt Nam – Nhật Bản – Trung Hoa.
Một trong những nhà thở cổ nhất tại Hội An – Ảnh Internet
Nhà thờ được chia làm hai phần: phần chính để thờ cúng và phần phụ bên cạnh để vị trưởng tộc cũng như khách ở. Phía sau ngôi nhà là mảnh vườn với mô đất nhô cao là nơi để ”chôn rau cắt rốn” của dòng họ. Nhà thờ được xây dựng hài hòa, tuân thủ theo nguyên tắc phong thủy nghiêm ngặt. Hằng năm, vào một ngày định kỳ, tất cả bà con trong dòng họ đều tụ tập lại cùng nhau hương khói để tỏ lòng biết ơn ông bà, tổ tiên.
3. Nhà cổ Tấn Ký – Nhà cổ Phùng Hưng
Được xây dựng từ cuối thế kỷ 18, nhà cổ Tấn Ký là một trong những địa điểm lâu đời nhất ở Hội An, có tuổi đời gần 200 năm. Đây từng là nơi ở của gia đình nhà họ Lê. Nhà cổ Tấn Ký hầu như vẫn giữ nguyên được lối kiến trúc độc đáo vốn có, nhà có nhiều gian: mặt trước là khu vực buôn bán còn mặt sau chủ yếu để nhập hàng hóa. Nhà cổ tồn tại được tới ngày hôm nay là nhờ các cột trụ vững chãi và phần mái làm bằng gỗ, còn phần móng nhà thì được lát đá bát tràng cao cấp.
Với lối kiến trúc độc đáo kết hợp cả ba văn hóa: Trung – Nhật – Việt, các hoa văn và họa tiết của nhà cổ Tấn Ký đều được các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng khắc họa vô vùng tỉ mỉ. Nhà cổ Tấn Ký là một trong những ngôi nhà cổ được vinh danh là di sản văn hóa quốc gia và là nơi duy nhất ở Hội An đón các nguyên thủ trong và ngoài nước ghé thăm.
Nhà cổ Tấn Ký, di sản văn hóa quốc gia – Ảnh Internet
Nhà cổ Phùng Hưng được xây dựng cách đây hơn 100 năm trong thời kỳ phát triển của đô thị cổ Hội An. Chủ nhân đầu tiên đặt tên cho ngôi nhà là Phùng Hưng có nghĩa là hưng thịnh với mong muốn gia đình luôn làm ăn phát đạt. Trước kia, đây là tiệm bán các mặt hàng lâm thổ sản như quế, tiêu, muối, các mặt hàng lụa tơ tằm, đồ sứ, thủy tinh…
Với tuổi thọ hơn 100 năm, nhà cổ Phùng Hưng có kết cấu khá độc đáo, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Ðông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây. Ngôi nhà chứa đựng nhiều thông tin về lối sống của tầng lớp thương nhân ở thương cảng Hội An xưa. Nhà cổ Phùng Hưng đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào ngày 29/6/1993.
Nhà cổ Phùng Hưng, di tích lịch sử – văn hóa quốc gia – Ảnh Internet
4. Hội quán Triều Châu – Hội quán Phúc Kiến – Hội quán Quảng Đông
Hội quán Triều Châu được cộng đồng người Hoa gốc Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và thờ thần Phục Ba – vị thần giúp việc đi lại buôn bán trên biển của ngư dân được bình yên, thuận buồm xuôi gió.
Đây là một trong những công trình có giá trị đặc biệt tại đô thị cổ Hội An. Những bộ khung gỗ, các khám thờ, bệ cửa bằng gỗ được chạm trổ sắc sảo, những họa tiết được trang trí theo các điển tích, truyền thuyết dân gian và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp trên các bờ nóc, bờ chảy. Hằng năm, vào ngày 16 tháng giêng âm lịch, Hội quán Triều Châu tổ chức lễ Nguyên tiêu và giỗ tổ tiền hiền rất linh đình, với sự tham gia của đông đảo người Hoa gốc Triều Châu ở Hội An và các địa phương lân cận như Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Hội quán Triều Châu – Ảnh Internet
Hội quán Phúc Kiến là hội quán lớn và được nhiều khách du lịch trong nước biết đến nhất. Vào năm 1697, Hội quán Phúc Kiến chỉ là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu. Qua nhiều lần trùng tu, Hội quán ngày càng trở nên rực rỡ, khang trang hơn.
Công trình Hội quán Phúc Kiến có kiến trúc theo kiểu chữ tam, theo thứ tự từ ngoài vào trong: cổng tam quan, sân trước, hai dãy nhà Đông Tây, chính điện, sân sau và hậu điện. Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia vào ngày 17/02/1990. Nơi đây đã góp phần tô điểm thêm cho diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An.
Hội quán Phúc Kiến – Ảnh Internet
Hội quán Quảng Đông hay còn gọi là Hội quán Quảng Triệu được xây dựng vào năm 1885 để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Khổng Tử, đến năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Hội quán Quảng Đông có kiến trúc khá đẹp bởi sự kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu cùng họa tiết trang trí công phu, chạm trổ tinh xảo… Tất cả mang lại cho công trình Hội quán một vẻ lộng lẫy, uy nghiêm.
Điểm nổi bật của Hội quán Quảng Đông là tới nay vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng gốm sứ, các hình tượng mô phỏng lại các vở tuồng về văn hóa và nhiều văn bản ghi lại cuộc sống của cộng đồng người Quảng Đông ở Hội An.
Hội quán Quảng Đông – Ảnh Internet
5. Biển Cửa Đại – Biển An Bàng
Biển Cửa Đại cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 5 km, là nơi sông Thu Bồn đổ ra biển lớn. Chính vì vậy mà Cửa Đại mang một vẻ đẹp rất riêng, rất độc đáo, làm đắm say biết bao trái tim lữ khách phương xa.
Cửa Đại có dòng nước trong xanh màu ngọc bích, bờ cát trắng mịn màng, dọc bãi biển là hàng loạt các resort, khách sạn cao cấp với nhiều phong cách khác nhau. Cửa Đại là nơi sông Thu Bồn đổ ra biển nên có rất nhiều cá. Hoạt động thu hút khách du lịch nhất chính là săn bắt những loài cá săn mồi như: cá Hanh, cá Hanh Lươm, cá Hồng Vực… Du khách có thể câu cá gần bờ, cũng có thể thuê một chiếc thuyền thúng nhỏ lênh đênh trên biển để thực sự có cảm giác hòa mình với thiên nhiên.Với những nét đặc sắc riêng của mình, Cửa Đại để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó phai.
Cửa Đại, nơi con sông Thu Bồn đổ ra biển lớn – Ảnh Internet
Biển An Bàng cách trung tâm thành phố Hội An chỉ 3 km, với vẻ đẹp hoang sơ, bình dị, nơi đây thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách du lịch nước ngoài. Khác với sự sôi động, náo nhiệt của Cửa Đại, An Bàng nằm yên ả giữa những rặng dừa cao vút. Đến đây, du khách dường như được trút hết tất cả những lo toan của cuộc sống thường ngày, hòa mình vào tiếng sóng vỗ rì rào.
An Bàng có lẽ là lựa chọn vô cùng thích hợp với những ai đã chán ngấy cuộc sống đô thị ồn ào. Biển vắng nên bạn hoàn toàn có thể nô đùa, vui chơi thoải mái cùng bạn bè mà không sợ bị ai chê cười. Thuê một vài chiếc ván lướt sóng, nô đùa thỏa thích cùng sóng biển. Sau khi đã thấm mệt thì lại kéo nhau vào một quán bar gần đó, thả mình xuống chiếc ghế nệm êm ả, thư thái ngắm nhìn cảnh hoàng hôn. Còn gì tuyệt vời hơn thế nữa, phải không nào?!
An Bàng, bãi biển tĩnh lặng và yên ả – Ảnh Internet
Hội An từ xưa đến nay vốn luôn là điểm du lịch Hội An hấp dẫn du khách thập phương bởi vẻ đẹp cổ kính của mình. Đến đây, bạn hãy nhớ ghé thăm tất cả các địa điểm mà Đi Để Đến đã giới thiệu nhé. Và đừng quên dành chút thời gian ít ỏi thưởng thức những món ăn dân dã mà thấm đượm tình người nơi đây.